Cách hạn chế hẹp bao quy đầu

Dương Thu Nga (Hải Phòng)

Những năm đầu đời của trẻ, dương vật của bé bắt đầu có sự bài tiết và bong ra các tế bào chết của thượng bì da bao quy đầu. Các tế bào này tích tụ lại tạo thành chất màu trắng nằm ngay ở da bao quy đầu. Nếu trẻ không bị hẹp quy đầu thì chất màu trắng này sẽ bị trôi đi qua các lần tắm, rửa. Nếu quy đầu bị hẹp thì chất cặn này càng ngày càng tích tụ lại, cô đọng lại thành hạt, mảng trắng sờ vào như hạt đậu hoặc vòng nhẫn cứng ở đầu dương vật và rất dễ gây viêm nhiễm bao quy đầu. Hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì đến tuổi vị thành niên dương vật sẽ bé và ngắn hơn bình thường, gây các yếu tố tâm lý không tốt và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Để phòng tránh chứng hẹp bao quy đầu cho trẻ, cha mẹ cần quan tâm lưu ý từ khi bé vài ba tháng tuổi. Bạn có thể phát hiện bằng cách vạch da quy đầu của bé xem lỗ tiểu có hẹp không hoặc quan sát lúc đi tiểu xem tia nước tiểu ra sao. Lưu ý nếu tia nước tiểu nhỏ như cái kim, bé khó tiểu (có bé phải rặn tiểu), thậm chí da phần quy đầu phồng lên do nước và chất cặn bã tích lại thì bé đã bị hẹp bao quy đầu. Cần vệ sinh bao quy đầu hàng ngày cho trẻ mỗi khi tắm, rửa. Cần lộn bao quy đầu ra và dùng vòi nước sạch cho chảy nhẹ nhàng vào rãnh quy đầu, cho đến khi thấy các chất cặn bẩn có màu trắng đã sạch hết thì cho bao quy đầu trở về vị trí ban đầu.

BS. Thanh Lâm